Mục blog của Admin User

Bất kỳ ai trên thế giới

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM không thể hết ùn tắc khi vùng lõi vẫn mọc lên chung cư cao tầng, khu đô thị.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng sáng 8/6, đại biểu Tráng A Dương (Ủy viên chuyên trách Hội đồng Dân tộc) nêu thực trạng ùn tắc giao thông vẫn diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP HCM. Việc này ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Vì vậy, ông đề nghị Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân chính và giải pháp mà Bộ cùng địa phương thực hiện thời gian tới là gì.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM là vấn đề rất lớn, trong ba phút trả lời chất vấn khó nói hết. Có nhiều nguyên nhân tắc đường ở thành phố và để giải quyết cần thời gian chứ không thể một sớm, một chiều. Nhiều thành phố lớn trên thế giới có điều kiện kinh tế, tài chính mạnh như Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng phải xử lý tắc đường trong thời gian dài.


Ùn tắc tại Hà Nội ngày 30/1, khi người dân đi làm trở lại sau Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Ngọc ThànhÙn tắc tại Hà Nội tuần đầu người dân đi làm trở lại sau Tết Quý Mão 2023, ngày 30/1. Ảnh: Ngọc Thành

Ùn tắc tại Hà Nội ngày 30/1, khi người dân đi làm trở lại sau Tết Quý Mão 2023. Ảnh: Ngọc Thành


Để giải bài toán ùn tắc giao thông tại Hà Nội và TP HCM, ông Thắng đề nghị quản lý, kiểm soát thật chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. "Nếu không kiểm soát tốt quy hoạch đô thị, để khu trung tâm thành phố tiếp tục mọc lên chung cư cao tầng, khu đô thị thì nguy cơ ùn tắc sẽ tiếp diễn", ông Thắng nói.

Ông đề nghị khi quy hoạch đô thị, các thành phố phải quan tâm đến diện tích đất giao thông, như Hà Nội và TP HCM cần 16-26% diện tích đất làm hạ tầng giao thông nhưng mới chỉ đạt 8-9%. Đất dành để xây các bãi đỗ xe cũng rất khiêm tốn.

Phát triển mạnh giao thông công cộng cũng là giải pháp cần thiết. Hầu hết các thành phố lớn trên thế giới đều chú trọng xây dựng các tuyến giao thông công cộng. Bộ Giao thông Vận tải đã phối hợp với Hà Nội và TP HCM để đẩy mạnh xây dựng các tuyến đường sắt đô thị.

"Tôi rất bất ngờ về kết quả hoạt động của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sau 19 tháng đưa vào sử dụng", ông Thắng nói, cho biết thống kê cho thấy mỗi ngày có 31.000-33.000 lượt người đi trên tuyến này, lúc cao điểm lên đến 50.000 lượt khách mỗi ngày. Với tần suất 6 phút mỗi chuyến, tuyến này đã góp phần giảm ùn tắc cho Hà Nội. Lần đầu tiên, ban quản lý dự án báo lãi 100 tỷ đồng; 80% khách đi tàu mua vé cố định.

Thời gian tới, ngành giao thông vận tải sẽ thúc đẩy tiến độ các đường sắt đô thị, quan tâm phát triển các tuyến xe buýt. Tuyến Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 vùng Thủ đô cũng phải triển khai quyết liệt để sớm hình thành các tuyến tránh, mở rộng không gian, giảm lượng phương tiện đi qua nội thành.

Bộ trưởng cho biết, thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) đã quy định phương tiện được đi vào nội đô theo ngày chẵn, lẻ để giảm ùn tắc. Tuy nhiên ở Việt Nam, những giải pháp này vẫn đang bàn luận.

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 8/6. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn trước Quốc hội, sáng 8/6. Ảnh: Media Quốc hội

Phát biểu kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục chính, đầu mối trọng điểm, đô thị lớn như Hà Nội và TP HCM còn phức tạp. Vì vậy, ông đề nghị các cơ quan nghiên cứu, triển khai các giải pháp về an toàn giao thông, chống ùn tắc từ khi tổ chức thực hiện quy hoạch, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành.

Thực trạng tắc đường xảy ra tại Hà Nội và TP HCM nhiều năm nhưng đến nay chưa có giải pháp hiệu quả. Cuối tháng 5, TP HCM lên kế hoạch xử lý 24 "điểm đen" ùn tắc giao thông. Trong năm nay, thành phố đặt mục tiêu xóa ít nhất một điểm tại khu vực cầu Kênh Xáng trên đường Trần Văn Giàu, huyện Bình Chánh. Ngoài vị trí trên, TP HCM còn 23 "điểm đen" ùn tắc khác, trong đó nhiều nơi đã không chuyển biến suốt nhiều năm.

Báo cáo tổng kết 10 năm (2012-2022) thực hiện chủ trương tăng cường đảm bảo giao thông và khắc phục ùn tắc, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết năm 2019 thành phố xử lý được 9 điểm ùn tắc nhưng phát sinh 10 điểm; năm 2020 xử lý 8, phát sinh 11; năm 2021 xử lý 10, phát sinh 8.

Theo Viết Tuân - VNExpress

Thẻ từ khoá:
[ Đã được sửa: Thứ Năm, 8 tháng 6 2023, 8:00 PM ]